Y cà sa có khá nhiều tên gọi khác nhau như cà sa duệ hay Phước Điền Y. Không phải ai xuất gia tu hành cũng được vinh dự khoác lên mình trang phục này. Trong bài viết dưới đây, Xưởng May Pháp Phục sẽ giúp bạn tìm hiểu kỹ hơn về áo cà sa. Đừng bỏ lỡ nhé!
Một vài thông tin cần biết về y cà sa
Áo cà sa là biểu tượng của nhà tu hành, của đạo pháp vì thế rất trân quý. Khi vào các đền, chùa hiện nay bạn sẽ thấy chỉ những Tăng Ni chức vụ cao hoặc trụ trì của chùa mới được sử dụng trang phục này.
Y cà sa nghĩa là gì?
Trong các buổi lễ Phật đản, sự kiện Phật giáo hoặc đơn giản vào chùa bạn sẽ thấy có những Tăng Ni khoác lên mình chiếc áo cà sa. Dịch từ tiếng Phạn thì cà sa có tên gọi chính xác là kasaya – tên gọi đầy đủ là cà sa duệ. Tên gọi này không có ý nghĩa là y phục mà nó tượng trưng cho sự bạc màu hay hư hoại.
Sở dĩ có tên gọi này bởi y cà sa của các Phật tử xuất gia đại diện cho những gì nghèo nàn, giản dị và khiêm nhường nhất. Đó là lý do vì sao bạn thường thấy các Tăng Ni mặc áo cà sa có màu xám bạc, màu nâu sòng hoặc màu vàng đất.
Nguồn gốc ra đời của y cà sa
Nếu để ý kỹ bạn có thể thấy y cà sa của các Tăng Ni, trụ trì thường không may bằng một tấm vải lành mà được chắp vá bằng nhiều miếng vải. Các tu sĩ Phật giáo là những người xuất gia không có gia đình, nhà cửa hay bất kỳ tài sản nào có giá trị. Từ xa xưa họ phải đi nhặt từng mảnh vụn quần áo người khác đem bỏ về giặt và may vá lại thành y phục. Tiếp đến, các tu sĩ nhúng áo vào nước thuốc màu làm từ vỏ cây để nhuộm màu cho vải đồng nhất.
Tương truyền ngài Ananda – anh em họ và là thị giả của Đức Phật đã cắt may cà sa theo ý của Đức Phật. Những miếng vải vuông đó là đại diện hình ảnh cho các miếng ruộng lúa tại vương quốc Magadha. Đức Phật đã đồng ý với thiết kế này nên từ đó trở về sau, y cà sa trở thành y chuẩn trong giới tu sĩ nói chung.
Cũng vì lý do đó mà y cà sa còn được gọi với cái tên là Phước Điền Y – y phục được may với những miếng vá. Sở dĩ Đức Phật chấp thuận y cà sa chắp vá là để phân biệt y phục của tu sĩ với các Phật tử tu tập tại gia. Ngoài ra còn để cho những người có ý niệm tham lam không lấy trộm y phục (vào thời Đức Phật xa xưa vẫn còn nhiều người lấy cắp y phục của tu sĩ để mặc hoặc đi bán).
Ý nghĩa của y cà sa đối với người tu hành
Y cà sa là trang phục được những người xuất gia tu hành mặc lên người trong các hoạt động Phật giáo hàng ngày. Việc khoác lên mình chiếc áo cà sa này có rất nhiều ý nghĩa quan trọng như:
- Thay cho lời nhắc nhở, kiểm chứng bản thân phải luôn giữ giới; không được phép sát sinh, trộm cắp, tà dâm, không sân si… Nhờ đó người tu hành có được sự bình yên, an lạc để phát lộ lòng từ bi. Trí tuệ, sức mạnh và sự can đảm cũng được tăng lên để vượt qua mọi chướng duyên trên con đường tu tập.
- Chiếc y cà sa có nhiều mảnh cũng tượng trưng cho con đường tu tập của người xuất gia hướng đến giác ngộ có nhiều giai đoạn. Mỗi hành giả đời sau phải tích lũy công đức, giữ tâm trong sạch, sửa chữa lỗi lầm, biết đợi đủ nhân duyên thì mới được thành tựu. Chúng ta có thể thấy các Tăng Ni cao tăng, thạc đức mặc y cà sa đến 25 điều, còn những vị mới thụ giới chỉ mặc đại y 9 chiều.
- Mặc lên mình bộ y cà sa để nhắc nhở phải luôn ghi nhớ công ơn sâu dày của đán tín. Bởi các nhà tu hành được thụ thí thông qua cúng dường của phật tử để an tâm lo tu học. Mỗi tỳ kheo cần phải luôn niệm tưởng sao cho xứng đáng với những công ơn đó.
- Trong Phật giáo, y cà sa còn mang giá trị về mặt truyền thống rất ý nghĩa. Đó là truyền thống trao truyền y cà sa và bình bát đựng vật phẩm. Người được nhận sẽ là người tiếp tục sự nghiệp lãnh đạo tăng đoàn của Đức Phật.
Về màu sắc và thiết kế của y cà sa thay đổi thế nào?
Theo thời gian và sự du nhập đến từng quốc gia trên toàn thế giới mà y cà sa đã có nhiều thay đổi rõ nét cả về màu sắc và thiết kế. Cụ thể như sau:
Màu sắc của áo cà sa hiện nay
Y cà sa không được nhuộm cố định bằng một màu sắc nào đó. Mà trang phục này chỉ tránh không dùng 5 màu là đỏ, vàng, xanh, trắng và đen. Do đó y cà sa pha trộn nhiều màu sắc khác nhau để cho ra màu sắc giản dị đúng theo ý nghĩa nguyên thuỷ từ tên gọi.
Áo sẽ gồm nhiều mảnh, mỗi mảnh một màu sắc khâu nối với nhau. Ở thời hiện đại, tuỳ theo truyền thống của từng địa phương, giáo phái, khí hậu, phong tục… mà áo cà sa đã có sự cải biến từ màu sắc đến cách may. Tuy nhiên thông dụng nhất vẫn là 3 màu sắc theo phép quy định là màu gần như đen (màu bùn đất), màu gần như xanh (màu rỉ đồng), màu gần như đỏ (màu hoa quả).
Màu sắc sử dụng của áo cà sa cũng có sự khác biệt dựa trên từng quốc gia. Chẳng hạn ở Thái Lan các tu sĩ sẽ mặc áo màu vàng đậm và tu thiền trong rừng (giáo phái của thiền sư Ajahn Chah). Khu vực miền Nam Việt Nam các tu sĩ Phật giáo nguyên thuỷ cũng sử dụng màu sắc này. Còn với các tu sĩ Đại Thừa, màu sắc y cà sa có phần sáng màu hơn.
Thiết kế y cà sa thay đổi thế nào?
Do có nguồn gốc từ Ấn Độ nên áo cà sa được may theo hình chữ nhật với 3 loại là tiểu, trung và đại. Tiểu y là An đà hội mặc bên trong chỉ có 4 mảnh, trung y gọi là Uất đa la tăng mặc bên ngoài tiểu y gồm 7 mảnh. Đại y gọi là Tăng già lê đắp ngoài cùng của các Tăng Ni gồm 9 mảnh.
Chư Tăng theo Phật giáo nguyên thuỷ đều sử dụng y cà sa với thiết kế như trên. Nhưng khi du nhập vào các quốc gia khác như Việt Nam, Hàn Quốc, Nhật Bản… đã có sự thay đổi để phù hợp với khí hậu và phong tục tập quán. Cụ thể:
- Ở Việt Nam, Trung Quốc: Y cà sa chịu ảnh hưởng của truyền thống may mặc dân tộc. Do đó thiết kế cũng thay đổi với áo ngắn cài khuy vải ở giữa, áo dài cài khuy vải bên hông, quần được may rộng rãi thuận tiện cho việc di chuyển…
- Y cà sa phật giáo Bắc Tông: Sử dụng thiết kế áo khoác trùm lên y áo trên và chỉ dùng trong những dịp lễ quan trọng như nghi thức Phật giáo, lễ Phật đản. Trang phục này không phải là thường phục của Tăng Ni. Ngoài ra chỉ những vị tỳ kheo và tỳ kheo Ni mới được phép mang y cà sa, những vị khác không được phép.
- Y cà sa Nam Tông: Sử dụng tấm vải dài phủ lên người, chừa lại một bên vai và có màu nâu đất rất đặc trưng.
- Tu sĩ Đại Thừa: Y phục chính thức có màu sáng, xen lẫn những màu đỏ như một số nước Đông Nam Á. Về thiết kế sử dụng y cà sa may phủ cả 2 bên vai.
Trên đây là những thông tin cần biết về y cà sa – trang phục không thể thiếu của các Tăng Ni xuất gia. Áo cà sa là đại diện cho chức vị của tu sĩ trong đền chùa, đồng thời thể hiện cho quyết tâm tu tập hướng đến giác ngộ của tu sĩ. Tất cả những tu sĩ được vinh dự khoác lên mình tấm áo này đều xứng đáng để mọi người kính trọng.